36 kế binh pháp Tôn Tử
Ba mươi sáu kế (三十六計, Tam thập lục kế; hay 三十六策, Tam thập lục sách) là một bộ sách tập hợp 36 sách lược quân sự của Trung Quốc cổ đại, ba mươi sáu kế bắt đầu xuất hiện từ thời Nam Bắc triều và tới thời nhà Minh thì được tập hợp thành sách…
Sự sắp xếp của Tam Thập Lục kế khá là đặc biệt. Mỗi chương 6 kế (6 chương: Thắng chiến kế, Địch chiến kế, Công chiến kế, Hỗn chiến kế, Tịnh chiến kế, Bại chiến kế), mỗi kế đều dùng 4 từ để miêu tả. Riêng chương cuối cùng thì cả 6 kế đều chỉ có 3 từ.
Chương 1: Thắng chiến kế
1. Man thiên quá hải (瞞天過海)
Giấu trời qua biển, lợi dụng sương mù để lẩn trốn.
Giải thích: Dù có giấu mình trong đêm đen hay bóng tối, dù có chui vào những nơi cô lập hay nấp sau màn chắn, tất cả đều chỉ đem lại sự nghi ngờ của đối phương. Để giảm sự nghi ngờ, ta cần phải thản nhiên như chẳng có chuyện gì, che giấu ý định thực sự đằng sau những hoạt động thường ngày.
Điển cố: Gia Cát Lượng dùng một biến thể là kế Thuyền cỏ mượn tên để lừa lấy tên của Tào Tháo trong trận Xích Bích.
2. Vây Ngụy cứu Triệu (圍魏救趙)
Tránh nơi địch mạnh nhất, đánh vào hiểm yếu khiến địch phải rút về.
Giải thích: Khi địch quá mạnh để tấn công trực diện, thì hãy tấn công vào nơi nào mà quý báu nhất của địch. Biết rằng chẳng ai có thể mạnh ở mọi nơi, vậy thì dù là áo giáp cũng có kẽ hở, có một điểm yếu là có một mục tiêu để công kích.
Điển cố: Thời Chiến Quốc, Bàng Quyên đem quân nước Ngụy tấn công nước Triệu rất gấp. Tôn Tẫn, bạn học cũ của Bàng Quyên, bày kế cho nước Tề đem quân vây nước Ngụy, y rằng Bàng Quyên phải kéo quân về giải vây, nước Triệu được cứu.
3. Tá đao sát nhân (借刀殺人)
Mượn dao giết người, mượn tay người khác để giết kẻ thù.
Giải thích: Được dùng khi ta không có đủ điều kiện để tự mình ra tay, hoặc là không muốn chịu hậu quả của việc tự ra tay. Vì thế mà mượn tay kẻ khác mà đạt mục tiêu của mình. Chính kẻ bị lợi dụng cũng không hề hay biết.
Ngạn ngữ Trung Quốc có câu: “Sát nhân bất kiến huyết, kiến huyết phi anh hùng”.
Nghĩa là, giết người phải không thấy máu, thấy máu thì không phải anh hùng. Không thấy máu chẳng qua là không có mặt ở đó để mà thấy máu chảy trên tay của kẻ khác mà thôi.
Giết thì dễ, giết như thế nào lại là đẳng cấp. Cái giả phải hợp tình hợp lý tới mức không thể nghi ngờ. Thậm chí người ta nhìn vào cũng chỉ có thể suy đoán mà chẳng có bằng cớ gì để kết tội kẻ “mượn”. Đó là đẳng cấp của kẻ dùng Kế.
Điển cố: Thời Tam Quốc Tào Tháo ghét Nễ Hành tính tình ương bướng không chịu khuất phục bèn cử ông ta đến chầu Lưu Biểu. Quả nhiên Nễ Hành làm Lưu Biểu tức giận rồi bị giết.
4. Dĩ dật đãi lao (以逸待勞)
Lấy nhàn để đối phó với mỏi mệt.
Giải thích:Dùng chiêu này khi ta có lợi thế được chọn thời gian và địa điểm cho trận đánh. Nhất là khi địch lại không biết về hai điều này. Bằng cách đó, ta sẽ dẫn dụ địch tiêu hao năng lượng cho những mục tiêu không có thật trong khi ta giữ gìn mọi nguồn lực. Khi địch đã tổn hao, mệt mỏi và bắt đầu nhầm lẫn, ta tấn công toàn lực với năng lượng nguyên vẹn và với mục tiêu rõ ràng.
Dĩ Dật Đãi Lao có 2 tiêu chí quan trọng là Thời điểm và điểm đối đầu. Ta tạo ra nhiều mục tiêu giả, khiến cho địch hao tổn sức lực, trí lực, mệt mỏi tới không còn sáng suốt. Sau đó lựa chọn đúng vị trí tấn công mà ta tối ưu hóa được nguồn lực của mình trong khi địch lại bị hạn chế nhất. Đó chính là căn bản của sử dụng thành công chiêu thức này.
Điển cố: Trong Trận Phì Thủy, Phù Kiên đem một triệu quân tấn công nhà Tấn. Tuy nhiên Tạ An, Tạ Huyền nắm vững tinh thần Dĩ dật đãi lao nên dùng quân Tấn ít hơn nhưng tinh nhuệ, có trật tự, được nghỉ ngơi, đánh cho Phù Kiên đại bại.
5. Sấn hỏa đả kiếp (趁火打劫)
Tranh thủ nhà cháy mà đánh cướp, lợi dụng lửa để hành động.
Giải thích: “Khi một đất nước đang nội chiến, khi dịch bệnh đói rét hoành hành, khi tham nhũng và tội ác leo thang, đó chính là khi đất nước đó mất khả năng đối chọi với ngoại xâm. Đó chính là thời điểm tấn công”.
Chúng ta đã học qua bài “Tri bỉ tri kỷ bách chiến bất đãi” và đã nắm được yếu lĩnh “biết người” là quan trọng như thế nào với sự thành công của chiến dịch công kích. Thế nhưng ta cũng cần biết rằng Địch là một chủ thể luôn biến đổi. Đôi khi ta biết địch ở thời điểm này, nhưng lại không biết địch chỉ trong ba ngày sau đã ra sao. Vì thế “Tri bỉ” còn có nghĩa là phải liên tục theo dõi, nắm bắt sự thay đổi nội tại của địch. Một khi ta thấy nội bộ địch có phát sinh điểm yếu, ta có thể sử dụng điểm yếu này để khai thác làm địch suy yếu nhanh hơn hoặc khai thác để đạt được lợi ích cho ta.
Điển cố: Trước trận Xích Bích, Lưu Bị chỉ là một lãnh chúa nhỏ nắm trong tay một thành Tương Dương người thưa quân ít. Lợi dụng thất bại của Tào Tháo ở Xích Bích, Lưu Bị tung quân chiếm Kinh Châu rồi từ đó phát triển thế lực ngang bằng với Tào Tháo, Tôn Quyền.
6. Thanh Đông kích Tây (聲東擊西)
Dương Đông kích Tây, vờ đánh một hướng nhưng thực chất là đánh hướng ngược lại.
Giải thích: “Khi địch trong trạng thái nghi ngờ, địch sẽ không thể nào thẩm định tình huống một cách rõ ràng được. Ta tung tin đồn thất thiệt về kế sách của ta, nhằm làm địch tập trung nguồn lực phòng thủ vào một phía, và do đó để lộ phía khác yếu hơn để ta tấn công”.
“Thanh” hay “Dương” đều chỉ ý hô hoán, bộc lộ ra ở một phía để gây chú ý rồi thầm kín mà đánh ở nơi khác.
Tất cả những học trò đã từng được giao luận về chủ đề này đều có cái hiểu nhầm mà vì cái hiểu nhầm ấy mà không thể nào nhìn ra sự khác biệt rõ ràng với các kế khác.
Trong Kế 1 – Man Thiên Quá Hải, ta có đủ sức mạnh và điều kiện để tạo ra cả một môi trường giả, mạnh hơn nhiều so với Dương Đông Kích Tây khi chỉ có thể tạo ra được một số hành động giả, âm thanh giả, đặc biệt là tin đồn mà thôi.
Điển cố:Sau trận Xích Bích, Gia Cát Lượng cho quân đốt lửa trong đường hẻm Hoa Dung để Tào Tháo nghi ngờ rằng quân Lưu Bị dùng kế dương Đông kích Tây rồi chọn chính đường Hoa Dung để rơi vào bẫy của quân Quan Vũ.
CHƯƠNG 2: Địch chiến kế
7. Vô trung sinh hữu (無中生有)
Không có mà làm thành có.
Giải thích: Tạo ra một ý tưởng giả trong tâm tưởng của đối thủ, và làm đối thủ tin vào điều đó như một sự thật, để chúng nghĩ ta có cái mà ta hoàn toàn không có. Bằng cách đó, ta đạt được những lợi thế và sự bảo đảm mà lẽ ra ta không thể có.
Điển cố: Trong Trận Phì Thủy, để khỏa lấp sự chênh lệch lớn về quân số, Tạ An, Tạ Huyền tung quân Tấn tấn công sớm lực lượng quân Tần của Phù Kiên để tạo ra cảm giác rằng quân Tấn đông đảo không kém gì quân Tần, lại gửi thư cho Phù Kiên để nghị lui quân Tần để Tấn sang sông, quyết chiến một trận. Quân Tần trong khi lui quân vì hỗn loạn nên đội hình tan rã, giẫm đạp lên nhau mà chết rất nhiều (Phong thanh hạc lệ, Thảo mộc giai binh: tưởng tiếng gió, tiếng hạc, cỏ cây là quân Tấn đang tiến công).
8. Ám độ Trần Thương (暗渡陳倉)
Chọn con đường, cách thức tấn công mà không ai nghĩ tới.
Giải thích: Nguyên bản chiêu này trích từ câu: “Minh Tu Sạn Đạo, Ám Độ Trần Thương”. Nghĩa là: “Giữa lúc trời sáng, sửa đường sạn đạo, ngấm ngầm bí mật, mở lối Trần Thương.”
Tấn công địch bằng hai mũi. Mũi công thứ nhất là mũi công trực diện, giữa thanh thiên bạch nhật, nhằm làm cho địch dồn sức phòng thủ. Mũi công thứ hai là mũi công ngầm, nơi mà địch không để ý, đột nhiên làm địch phải chia đôi phòng thủ mà vẫn không biết được bên nào mới là mũi chủ công. Nghi ngờ, nhầm lẫn, không quyết đoán trong phòng thủ sẽ dẫn tới thảm họa.
Điển cố:Thời Hán-Sở tranh hùng, Lưu Bang bị Hạng Vũ ép vào đóng quân trong vùng Ba Thục hẻo lánh khó ra được Trung Nguyên. Hàn Tín bèn bày kế vờ sửa đường sạn đạo nhưng lại ngầm dẫn quân đi đường núi hiểm trở để đánh úp ải Trần Thương, mở đường ra Trung Nguyên cho quân Hán.
9. Cách ngạn quan hỏa (隔岸觀火)
Đứng cách bờ để xem lửa cháy, để yên cho kẻ địch tự rối loạn.
Giải thích:Chậm rãi, không tham gia hỗn chiến, nhằm làm các bên tham chiến mệt mỏi tranh đấu lẫn nhau. Rồi tấn công tổng thể với toàn sức mạnh và dẫm nát, kết thúc tất cả.
Điển cố:Sau Trận Quan Độ, Viên Thiệu đại bại trước Tào Tháo rồi chẳng bao lâu qua đời. Các con của Viên Thiệu là Viên Thượng, Viên Hy chạy tới nương nhờ Công Tôn Khang. Có người khuyên Tào Tháo thừa thắng tấn công để bắt nốt Viên Thượng, Viên Khang, Tào Tháo cho rằng không cần vội vì sớm muộn gì trong nội bộ địch cũng có loạn và rút quân. Quả nhiên Công Tôn Khang thấy Tào Tháo rút quân bèn chém đầu Viên Thượng, Viên Hy và xin hàng Tào Tháo. Ngày nay thường thấy là kế ‘Tự diễn biến’.
.
10. Tiếu lý tàng đao (笑裡藏刀)
Cười nụ giấu dao, lập mưu kín kẽ không để kẻ địch biết.
Giải thích: Lấy lòng đối phương, đạt được sự tin tưởng của đối phương. Khi đã có được sự tin tưởng, bí mật thực hiện mưu kế để có lợi cho mình. Đối phương phải tuyệt đối không được biết về những thay đổi thầm lặng, lật bài và tàn sát khi đã chuẩn bị kĩ càng. Khi đó, mặt dày, tim đen, sẵn sàng đối mặt.
Cái khó nhất của Tiếu Lý Tàng Đao là sự dường như vô hại. Khi đạt tới một cảnh giới nhất định, người sử dụng Tiếu Lý Tàng Đao có thể khiến đối phương đánh giá sai về mình. Như là Lưu Bị đánh rơi đũa để Tào Tháo đánh giá là người không có chữ Dũng hay không có tham vọng lớn vậy.
Vậy thì Tiếu không phải là cười. Tiếu là tất cả những gì ta thể hiện ra khiến đối phương nghĩ ta vô hại, khiến đối phương sướng và không đề phòng. Tỷ dụ như khen, khen đối phương như thế nào, khi nào, khiến cho họ nghĩ là ta thực sự phục tùng, là fan hâm mộ, là kẻ ủng hộ vv và vv. Trong khi đó, ngấm ngầm thực hiện các kế sách khác để đạt mục tiêu.
Điển cố: Tể tướng của Đường Huyền Tông là Lý Lâm Phủ có bề ngoài và xử sự hết sức hòa nhã, thân thiện nhưng thực chất lại là người cực kì nham hiểm, dùng mọi thủ đoạn để triệt hạ các đối thủ chính trị khác. Hành động của Lý Lâm Phủ về sau được mô tả bằng câu thành ngữ “Miệng nam mô, bụng bồ dao găm” (“Khẩu mật phúc kiếm”, 口蜜腹剑).
11. Lý đại đào cương (李代桃僵)
Mận chết thay đào, đưa người khác ra thế thân gánh vác tai họa cho mình.
Giải thích: “Khi thất bại là không tránh khỏi trong một trận đánh, cần phải biết hy sinh để chiến thắng toàn cục cuộc chiến. Đôi khi cần phải thua vài trận để chuẩn bị cho việc thắng trận quyết định của cả cuộc chiến”.
Chiến thuật này trong cờ gọi là Thí Quân. Ứng dụng quan trọng nhất của Kế này có liên quan tới việc Ưu tiên mục tiêu chính và đánh đổi mục tiêu phụ để phục vụ cho sự thành công của mục tiêu chính.
Điển cố: Thời Tam Quốc, Tào Tháo nghiêm cấm quân mình phá hại mùa màng dân chúng nếu không sẽ bị xử tội chém. Một lần dẫn quân qua ruộng lúa, con ngựa của Tào Tháo vì hoảng sợ mà dẫm nát một khoảnh lúa lớn. Tào Tháo hỏi quan giám sát về cách xử tội, quan giám sát nghị tội của Tào Tháo đáng chết nhưng tính mạng của thừa tướng đáng trọng hơn vì vậy chém tóc để thay thế. Từ đó quân lính của Tào Tháo sợ hãi luật lệ nghiêm minh mà tuân thủ kỉ luật.
.
12. Thuận thủ khiên dương (順手牽羊)
Thuận tay bắt dê, phải tranh thủ nắm lấy cơ hội nằm trong tầm tay.
Giải thích: Tận dụng mọi cơ hội, dù nhỏ, dù lớn, miễn là có lợi khi cơ hội dễ dàng tới tay. Nhặt vài mảnh bánh, cũng đủ bữa no. Đợi nguyên cái bánh, có khi chết đói.
Căn bản để dùng kế này, chiến lược gia phải có sự tỉnh thức liên tục (mindful) để nhận ra các cơ hội có thể được tận dụng, lợi dụng dù là nhỏ nhưng không tốn nhiều công sức. Căn bản của kế này là rèn luyện để trở thành một kẻ cơ hội và tỉnh thức. Khái niệm kẻ cơ hội nghe rất tiêu cực nhưng hoàn toàn không phải. Một người biết tận dụng mọi cơ hội đến với mình thì sẽ sớm đạt được nhiều thành quả và rút ngắn con đường phát triển.
Điển cố: Thời Tam Quốc Lưu Chương là thứ sử Ích Châu nhưng lại có tính tình nhu nhược. Gia Cát Lượng bèn khuyên Lưu Bị tận dụng mối quan hệ họ hàng xa để làm quen với Lưu Chương để rồi từ đó “thuận tay bắt dê” chiếm lấy Ích Châu làm chỗ dựa.
CHƯƠNG 3: Công chiến kế
13. Đả thảo kinh xà (打草驚蛇)
Đánh cỏ động rắn, tấn công vào xung quanh kẻ địch khiến chúng hoảng sợ mà lộ diện.
Giải thích:Chỗ có hoài nghi, thì phải dò xét xác thực, nắm được tình huống rồi sau đó hành động. Dò xét nhiều lần là thủ đoạn trọng yếu phát hiện nơi ẩn náu của địch.
Tức là, khi bức màn chiến tranh đã vén mở mà binh lực đối phương vẫn không bộc lộ, nhất định ẩn tàng quân sự cơ mật, lúc này nên dò xét ở tuyến trước, chớ mạo hiểm tiến sâu. Đôi khi phải làm phép thử để làm sáng tỏ nghi ngờ trước khi tấn công thật sự. Liên tục thử và dò những mối nghi ngờ là cách tốt nhất để tìm ra bẫy của đối phương, đôi khi cũng để hiểu đối phương hơn.
Điển cố:Nhà Tống hẹn với Chiêm Thành chia hai mặt giáp công Đại Việt. Chiêm Thành đồng ý. Tướng Lý Thường Kiệt liền đem quân tấn công, phá huỷ kho tàng ba châu của nhà Tống làm Chiêm Thành khiếp sợ, không dám can dự vào chiến tranh Tống – Việt lần 2.
14. Tá thi hoàn hồn (借屍還魂)
Mượn xác trả hồn, mượn thân xác khác để đưa hồn về.
Giải thích:Dùng một tổ chức, một kĩ thuật, một phương pháp đã bị lãng quên hay đã bị bỏ đi, vào đúng chỗ với mục tiêu xác định mới mẻ. Đó chính là làm sống lại một điều trong quá khứ bằng cách cho nó một mục tiêu mới. Làm sống lại một ý tưởng cũ, một cách làm cũ, một truyền thống cũ cũng chính là sáng tạo vậy.
Trong đời sống, Tá Thi Hoàn Hồn có thể nhìn thấy ở mọi nơi. Vở nhạc kịch “Nhà Thờ Đức Bà” (Notre Dame de Paris) là một biến thể như vậy. Xuất phát từ một tác phẩm tiểu thuyết cổ điển, cũ kĩ và đã phai nhạt của Victor Hugo. Việc chuyển tải từ dạng văn xuôi sang ca nhạc vũ kịch với lời và nhạc mê hoặc của Richard Cocciante và Luc Plamondon đã làm tác phẩm này trở thành một cơn sốt và đi vào Kỷ lục Guiness là tác phẩm nhạc kịch thành công nhất cho tới tận ngày nay.
Tá Thi Hoàn Hồn là một trong những kế sách đề cao sự sáng tạo của người dùng kế.
Điển cố:Thời Tam Quốc quân Tào Ngụy nhờ tài năng chỉ huy của Chung Hội và Đặng Ngải mà chiếm gần như toàn bộ nước Thục Hán. Đại tướng nhà Thục là Khương Duy bèn giả đầu hàng với hy vọng mượn xác trả hồn, lợi dụng quân Ngụy để khôi phục đất nước. Tuy nhiên mưu kế của Khương Duy không thành, ông bị giết còn nước Thục hoàn toàn mất về tay Tào Ngụy.
15. Điệu hổ ly sơn (調虎離山)
Lừa cho hổ ra khỏi núi, khiến kẻ địch ra khỏi nơi ẩn nấp để dễ bề tấn công.
Giải thích:Dụ địch vào khu vực mà điều kiện tự nhiên không thuận lợi, sở trường địch không dùng được. Tấn công trực tiếp tưởng là gây nguy hiểm nhưng thực tế công địch bằng việc dụ ra khỏi vùng sở trường mới thực sự là cuộc công kích mãnh liệt nhất.
Bọn hổ khi trong núi của chúng, chúng đã mạnh mẽ, lại thông thuộc địa hình, thời tiết, vào trong núi để bắt chúng thực là khó lắm. Thay vì thế, cách bắt hổ là dụ chúng ra khỏi núi, ra nơi mà chúng không còn lợi thế để mà bắt.
Có câu: “Hổ lạc bình nguyên bị khuyển khi” nghĩa là Hổ lạc xuống đồng bằng bị chó khinh, chính là như vậy.
Điền cố: Thời Tam Quốc Trương Phi được lệnh dẫn quân vào Ích Châu để hỗ trợ Lưu Bị. Trên đường tiến quân Trương Phi bị Nghiêm Nhan lợi dụng địa thế hiểm yếu để ngồi trong thành phòng thủ. Trương Phi bèn lập kế giả say dụ Nghiêm Nhan dẫn quân ra ngoài thành và đánh bại.
16. Dục cầm cố túng (欲擒故縱)
Muốn bắt thì phải thả.
Giải thích:Đôi khi, đừng có dồn địch thủ vào góc tường. Đôi khi, nên giữ chúng sống hơn là triệt hạ. Đôi khi, để chúng trốn thoát, mệt mỏi, mất tinh thần và tan rã lại hay hơn nhiều. Quan trọng nhất là triệt cái tâm. Bởi tâm đã bị triệt thì đầu hàng là vĩnh viễn và sự trung thành cũng được bảo đảm.
Điển cố:Thời Tam Quốc, Mạnh Hoạch làm phản khiến Thục Hán bất ổn. Để thu phục Mạnh Hoạch, Gia Cát Lượng đã bảy lần bắt, bảy lần thả (thất cầm thất túng, 七擒七纵) Mạnh Hoạch khiến Mạnh Hoạch đội ơn mà không dám làm phản nữa. Tào Tháo muốn dùng Quan Vũ để làm dũng tướng cho mình đã cấp cho Quan Vũ ngựa Xích Thố để Quan Vũ lên đường tìm huynh đệ Lưu Bị và Trương Phi; nhưng Quan Vũ chỉ cưỡi ngựa đi một đoạn bèn quay lại trở về với Tào Tháo để nguyện ra trận chiến đấu trả ơn cho Tào Tháo.
17. Phao chuyên dẫn ngọc (拋磚引玉)
Ném gạch đưa ngọc đến, đưa miếng nhỏ ra để dụ địch nhằm đạt cái lợi lớn hơn.
Giải thích:Tôn Tử viết: “Lợi nhi dụ chi, loạn nhi thủ chi”.Nghĩa là: “Địch muốn lợi, dùng mồi dụ nó. Nó loạn, đập chết nó”
Dùng mồi dụ địch là một thủ đoạn được dùng nhiều trong binh pháp, màu sắc này có thể từng thấy trong các chiêu thức khác như Điệu Hổ Ly Sơn chẳng hạn. Tất nhiên trong Phao Bác Dẫn Ngọc tất phải có yếu tố khác biệt.
Cho người ta xem một điều long lanh, vẻ như có giá, khiến đối phương đưa ra một thứ thực sự có giá trị để mà đổi hoặc cướp.
Điển cố:Trong chiến dịch Chi Lăng năm 1428, quân Lam Sơn đã giả thua liền 3 trận để tướng Minh là Liễu Thăng chủ quan rồi dùng phục binh giết chết ông này.
18. Cầm tặc cầm vương (擒賊擒王)
Bắt giặc, bắt vua trước.
Giải thích:Địch dù quân mạnh, nhưng lại chỉ làm việc vì sợ hãi hay vì phần thưởng thì hãy nhắm thẳng vào Lãnh đạo của chúng mà quật. Lãnh đạo gục, toàn quân sẽ tự tan hoặc đầu hàng. Quân địch mà kết nối với Lãnh đạo của chúng bằng trái tim, trung thành từ tâm thì hãy cẩn thận, bởi cái chết của người lãnh đạo của chúng sẽ khiến toàn quân cảm tử trả thù.
Căn bản của kế này là phải nắm được mối quan hệ tướng và lính trong quân địch. Nếu tướng địch không phải tướng sáng, chỉ dùng quyền lực và sự chết chóc để điều binh khiển tướng thì chỉ cần đập chết thằng tướng thì quân sẽ tự tan. Nền tảng đằng sau vẫn là làm sao chiến tranh tan rã mà bảo vệ được đất nước. Chứ không phải hiếu sát để sinh linh đồ thán, kiệt quệ nhân lực quốc khố trong chiến tranh.
Kế này lại không thể thực hiện được nếu quân địch “tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Với các tình tướng sĩ như cha con, việc giết chết tướng địch có khi lại là thảm họa khi địch quân liều chết báo thù. Khi đau thương được biến thành hành động cách mạng thì còn cái giải rút cũng đánh.
Điển cố:Vua Lê Hoàn chống quân Tống lần thứ nhất năm 981. Vua dùng kế giả hàng rồi cho phục binh bắt sống chủ tướng Hầu Nhân Bảo. Quân Tống mất chỉ huy tan rã nhanh chóng.
CHƯƠNG 4: Hỗn chiến kế
19. Phủ để trừu tân (釜底抽薪)
Rút củi đáy nồi, đánh tiêu hao hậu cần để làm quân địch dần phải thua.
Giải thích:Sách Ngụy Thư viết rằng: “Trừu tân chỉ phất, tiễn thảo trừ căn”. Nghĩa là: Để nước khỏi sôi, rút củi; để cỏ không mọc, diệt rễ
Khi không thể đối đầu với địch trực diện vì mình yếu hơn, vẫn có thể thắng bằng cách phá hoại nguồn lực và tinh thần của địch, khiến cho địch dù có muốn cũng chẳng có thể nào mà “sôi” lên được.
Điển cố:Trong trận Chi Lăng-Xương Giang, nghe tin có viện binh, nhiều tướng muốn đánh để hạ gấp thành Đông Quan. Tuy nhiên, theo ý kiến của Nguyễn Trãi, Lê Lợi cho rằng đánh thành là hạ sách vì quân trong thành đông, chưa thể lấy ngay được, nếu bị viện binh đánh kẹp vào thì nguy; do đó ông quyết định điều quân lên chặn đánh viện binh trước để nản lòng địch ở Đông Quan.
.
20. Hỗn thủy mạc ngư (混水摸魚)
Đục nước bắt cá, lợi dụng tình thế để ra tay đạt mục đích.
Giải thích: “Khi địch hỗn loạn, mất phương hướng chính là lúc tìm sơ hở, khống chế và lấy đi lợi ích mà địch hoàn toàn không biết”.Nước trong thì khó bắt cá. Khó ở chỗ thò tay xuống là cá thấy mà chạy. Nước đục thì dễ bắt dù là bằng tay không.
Kế này khi xuất chiêu thường được dùng cùng các kế khác như số 6Sấn Hỏa Đả Kiếp, số 12Thuận Thủ Khiên Dươngđể tối ưu hóa lợi ích đạt được.
Kế 20 này phải nhìn từ hai hướng. Một là mình đừng có rơi vào nước đục để mà bị bắt. Hai là làm cho địch luôn rơi vào nước đục, như thế mới dễ bắt nó.
Điển cố: Trong Trận Phì Thủy, sau khi nhận thấy quân Tần rối loạn sau đợt tấn công phủ đầu của quân Tấn, Tạ Huyền quyết định tận dụng thời cơ tung toàn lực tấn công, kết quả là quân Tần đại bại dù đông quân gấp 10 lần quân Tấn.
21. Kim thiền thoát xác (金蟬脫殼)
Ve sầu lột xác, sử dụng bộ dạng mới để làm quân địch bất ngờ trở tay không kịp.
Giải thích:Bề ngoài giữ vẻ không thay đổi, nhưng bên trong đã tạo được thế mạnh, địch vẫn không ngờ, chẳng lo đối phó. Khi địch nhân còn mơ hồ chưa hiểu là lúc ta hành động.
“Khi bị nguy hiểm hủy diệt, cách duy nhất là trốn để tập hợp quân, khi đó cần chế ra sự giả tạo. Khi địch tập trung vào điểm giả tạo này, bí mật rút lui chỉ để lại đằng sau sự giả tạo vô nghĩa”.
Tôn Tử từng phân tích. Đánh trận dựa vào 2 lực lượng. Lực cứng là lực công kích (Striking Force) và lực mềm là lực lừa dối (Deceptive Force). Hai lực này khóa vào nhau như âm như dương không đầu không cuối. Học binh pháp phải biết biến hóa, dùng hai lực này nhuần nhuyễn.
Điển cố:Trong chiến tranh chống Nguyên năm 1286, quân Trần trong khi triệt thoái đã cho thuyền rồng giả chèo ra biển để dụ quân giặc đuổi theo, trong khi đó vua Trần xuôi vào Nam tập hợp binh lực phản công.
22. Quan môn tróc tặc (關門捉賊)
Đóng cửa bắt giặc, dồn giặc vào thế bí không thể chạy thoát.
Giải thích: Tôn Tử viết: Cố dụng binh chi pháp, thập tắc vi chi, ngũ tắc công chi, bội tắc phân chi…
Trong đó “Thập tắc vi chi” nghĩa là khi mình mười, nó một, bao vây nó. Chứ nếu dồn nó quá, nó cắn bừa, lại tổn thương mình.
Nhưng căn bản của bao vây là gì? Là không cho nó có lối thoát. Còn nếu đuổi nó ào ào mà lối thoát vẫn chưa đóng, thì tức là vẫn còn có cơ hội cho nó. Lúc thấy cơ hội có thể bắt được giặc, lại là lúc không được nóng vội, phải bình tĩnh nhất vì đây là cơ hội triệt hạ đối phương toàn diện, làm tốt thì chiến tranh kết thúc. Cho phép kẻ địch trốn thoát là tạo ra hiểm họa tương lai. Vì muốn triệt hạ, lại phải bình tĩnh mà bao vây, đóng hết cửa thoát, rồi từ từ chọc tiết.
Điển cố:Thời Chiến Quốc, Tôn Tẫn và Bàng Quyên ban đầu là hai học trò cùng thầy Quỷ Cốc tử, nhưng sau đó trở thành cừu thù và là địch thủ chính của nhau trên chiến trường. Trong trận chiến quyết định, Tôn Tẫn sai quân Tề dùng kế rút bếp để lừa Bàng Quyên và quân Ngụy tiến sâu vào đường hẻm Mã Lăng. Khi toàn bộ quân Ngụy đã rơi vào bẫy phục kích, Tôn Tẫn sai bịt đường hẻm và bắn tên, quân Ngụy đại bại, Bàng Quyên cũng bỏ mạng trong đám loạn tên.
23. Viễn giao cận công (遠交近攻)
Xa thì giao thiệp, gần thì dùng vũ lực.
Giải thích:“Khi điều kiện cho phép, kết giao, liên kết với kẻ địch ở xa để triệt hạ kẻ địch ở gần”.
Vừa xích mích với thằng xóm bên, lại vừa hục hặc với thằng láng giềng. Vác dao sang xóm bên chiến đấu thì có khi ở nhà bị đốt lúc nào không hay. Thế nên, vượt qua địch nhân ở gần để đi đánh địch ở xa là bất lợi. Địch ở xa, chủ trương vẫn là thù địch và đối lập nhưng cũng chưa phịch được nhau ngay. Thế thì có khi phải liên minh tạm thời để nhằm lợi ích đánh chiếm ở gần.
Thịt xong thằng ở gần rồi, vác quân đi xa cũng ko lo ở nhà bị đánh trộm.
Điển cố:Thời Chiến Quốc, tể tướng nước Tần là Phạm Thư đề ra kế viễn giao cận công, theo đó với các nước gần, Tần sẽ dùng vũ lực uy hiếp, chiếm thành chiếm đất, với các nước xa không đem quân đi được thì lại dùng ngoại giao dụ dỗ làm đồng minh. Cứ như vậy Tần nhanh chóng trở thành bá chủ của cả sáu nước chư hầu, tạo điều kiện cho Doanh Chính thống nhất Trung Quốc sau đó.
CHƯƠNG 5: Tịnh chiến kế
24. Giả đồ phạt Quắc (假途伐虢)
Mượn đường diệt Quắc, lợi dụng hòa hoãn địch để rồi quay lại tấn công bằng lợi thế do chính địch tạo ra cho mình.
Giải thích: Dùng nguồn lực của bên thứ ba để chống lại kẻ thù chung. Dùng xong, không trả mà sử dụng chính nguồn lực đó để triệt hạ bên cho mượn.
Điển cố:Tấn Hiến công theo lời Tuân Tức mang đồ vàng ngọc hối lộ nước Ngu với lý do mượn đường nước Ngu để đánh nước Quắc, thực chất là Tấn Hiến công sợ Ngu sẽ sai quân cứu nước Quắc. Sau khi Tấn đánh tan nước Quắc, Ngu chỉ còn trơ trọi một mình, Tấn Hiến Công bèn đem quân quay về diệt nốt nước Ngu.
25. Thâu lương hoán trụ (偷梁換柱).
Trộm xà thay cột, phá hủy cơ sở của địch.
Giải thích: Trong đánh trận ngày xưa, quân đội được chia thành các đội theo Đông, Tây, Nam, Bắc, trong đó hai đội tiền quân và hậu quân được gọi là đội Thiên Hoành và đội Địa Trục là hai đội quan trọng nhất của toàn quân, quan trọng cho cả tấn công và phòng thủ. Hai đội này đều được dẫn bởi các tướng lĩnh mạnh nhất. Giả như thay hai viên tướng mạnh dẫn hai đội này bằng tướng yếu thì lực tấn công và phòng thủ của toàn quân đều giảm mạnh. Hai viên tướng này được coi là rường cột của toàn quân.
Kế Trộm Xà Thay Cột chủ yếu là: Tìm cách phá hoại cách địch vận hành, rút ra nguồn lực/sản phẩm trọng điểm và thay vào đó bằng loại chất lượng thấp khiến cho địch không thể vận hành tối ưu được.
Điển cố:Nhà Tây Sơn bình định xong phía Nam nhưng quân Trịnh ở Bắc sông Gianh vẫn còn mạnh. Nguyễn Huệ bèn vượt biển, đánh thẳng vào đất căn bản của họ Trịnh ở Thăng Long. Hạ xong thành Thăng Long, quân Trịnh cũng tự tan rã.
26. Chỉ tang mạ hòe (指桑罵槐)
Chỉ cây dâu để mắng cây hòe, còn có biến thể khác là chỉ chó mắng mèo, tấn công gián tiếp kẻ địch thông qua một trung gian khác.
Giải thích: “Để giáo huấn, khống chế, cảnh bảo người khác mà không cần đối đầu trực diện, dùng cách nói bóng, nói xoáy. Vì không trực diện đối đầu, kẻ bị đá xoáy không cách nào trả đũa ngay mà không tự mình rơi vào thế khó”.
Người khác ở đây có thể là bất cứ ai mà bạn không muốn đối đầu vì để tránh khó xử cho cả hai bên hoặc việc đối đầu có thể đem lại một tình huống mà kết quả khó mà đoán được. Bạn muốn người bị đá xoáy có thời gian để suy nghĩ kĩ càng hơn.
Ví dụ như khi bạn có một đối tác tiềm năng. Đối tác này lại đang lương lự suy nghĩ về việc nên lựa chọn hợp tác với bạn hay là với một bên thứ ba. Việc đối đầu trực diện và ép người ta phải lựa chọn chưa chắc đem lại một kết quả tối ưu. Bạn có thể chọn một thời điểm thích hợp, để nói bâng quơ về những gì bạn biết. Bằng những phép ẩn dụ mà người ta nhận ra rằng việc lựa chọn bạn tối ưu hơn là lựa chọn đối tác kia.
Việc sử dụng Kế Chỉ Tang Mạ Hòenày phải làm sao người bị đá xoáy không phải đối đầu trực tiếp. Các bậc cha mẹ đã dùng rất là sai yếu lĩnh này khi sử dụng “Con nhà người ta” nhưng lại nói trực tiếp với con cái mình. Việc chửi trực diện, so sánh con cái nhà mình với con nhà người ta không đem lại kết quả gì tích cực. Nếu khéo một chút, giả vờ như lúc nói chuyện giữa vợ chồng không biết là lũ con đang nghe lỏm để khen con nhà khác, thì đó chính là Chỉ Tang Mạ Hòe một cách đúng đắn và khéo léo. Như vậy kết quả sẽ tốt hơn khi đứa trẻ tự nhận ra những khuyết điểm của mình mà không phải đối đầu trực tiếp với cha mẹ.
Một điều quan trọng nữa trong ứng dụng của Chỉ Tang Mạ Hòe không chỉ giới hạn trong việc chửi mà còn cả trong việc khen. Khen một cách khéo léo thông qua bên thứ ba có thể làm cho nhân viên hay con cái cố gắng thêm một bậc. Năm cháu lớn nhà tôi lên 7 tuổi, một lần đi ngang qua quán pizza tôi thấy cháu đứng lại xem nhân viên nhà hàng gấp hộp pizza. Tôi hỏi cháu có muốn gấp không? Cháu nói là cháu muốn. Vậy là tôi vào hỏi ông chủ quán và ông đã đồng ý cho cháu gấp. Tôi lẳng lặng đưa cho ông chủ 50$ và nhờ ông là sau khi cháu gấp xong đống hộp thì thưởng cho cháu và “khen cháu là đứa bé ngoan, yêu lao động”. Về sau, cháu không bao giờ nề hà những việc lao động nhẹ ở nhà nên chỉ 7 tuổi đã có thể nấu cơm, giặt giũ, hút bụi, đổ rác, rửa bát và thậm chí có thể tự một mình bay máy bay sang nước khác để thi đấu cờ Vây được.
Điển cố: Thời Tam Quốc trong lúc Tào Tháo đang đem quân đi đánh Viên Thuật thì lương thảo thiếu thốn, binh lính kêu than. Thấy vậy Tào Tháo mới lập kế đổ tội cho quan coi lương Vương Hậu là lừa dối trong cấp phát lương rồi chém lấy đầu Vương Hậu. Quân Tào từ đấy sợ không dám kêu ca nữa mà hết lòng đánh Viên Thuật.
27. Giả si bất điên (假癡不癲)
Giả ngu chứ không điên, làm cho quân địch coi thường mình mà không đề phòng.
Giải thích: “Giấu sau mặt nạ một kẻ điên, một kẻ say, một kẻ ngu đần, để tạo ra hình ảnh giả tạo, giấu đi ý đồ và động cơ thực sự. Dẫn kẻ địch tới chỗ coi thường khả năng của mình, khiến địch trở nên tự tin thái quá, quên đi phòng thủ. Lúc đó, giết”.
Trong bài “Bản chất của Kế” đã từng nhắc tới câu sau của Tôn Tử: Binh giả, ngụy đạo dã. Cố năng nhi thị chi bất năng. Dịch là: Đánh nhau là phải lừa nhau. Có khả năng phải giả vờ như không thể. Đây cũng là yếu lĩnh này.
Điển cố: Thời nhà Tống, Nùng Trí Cao tự xưng đế ở phương Nam, hoàng đế nhà Tống phái quân đánh nhiều lần không được. Đại tướng Địch Thanh bèn bày kế giả đò sợ hãi làm quân của Nùng Trí Cao lơi là phòng bị, tức thì quân Tống tấn công đánh bại quân Nùng Trí Cao.
28. Thượng ốc trừu thê(上屋抽梯)
Lên nhà rút thang, còn có biến thể khác là qua cầu rút ván (tức Quá giang trừu bản).
Giải thích: “Giả chi dĩ tiện, tọa chi sử tiền, đoạn kỳ viện ứng, hãm chi tử địa”
Nghĩa là: Giả vờ lộ ra sơ hở cho địch nhân lợi dụng mà dụ nó vào đường cùng, sau đó cắt đứt quân hậu ứng của nó, giữ chân nó trong tử điạ.
“Dẫn địch tới điểm không thể quay đầu bằng cách thả mồi nhử. Mồi có thể là những cơ hội và lợi lộc hay là bằng chính điểm yếu của mình. Khi tới điểm không thể xuống được, địch tiến cũng chết, lui cũng chết mà đứng yên cũng chết”.
Chiêu này chủ đạo liên quan tới nghệ thuật tạo bẫy hay tạo mồi nhử. Căn bản đến từ sự thấu hiểu kẻ địch tới mức cặn kẽ. Nó muốn lợi, phải cho nó lợi. Cho vừa phải, không nó lại nghi. Nó muốn hại mình, phải cho nó thấy mình yếu, để nó tiến tới thịt mình. Từng bước lôi kéo nó lên từng bậc thang, tới khi nó lên tới nóc rồi thì phá đường lui để nó chỉ có thể ngửa mặt lên trời mà than.
Điển cố: Nguyễn Hoàng xin Trịnh Kiểm cho mình vào trấn thủ Thuận Hóa để chống quân Chiêm Thành và nằm tránh bị Kiểm mưu hại. Sau Nguyễn Hoàng khai khẩn đất trong Nam, các con cháu ông lập thành nước riêng, không thần phục họ Trịnh nữa.
29. Thụ thượng khai hoa (樹上開花)
Trên cây hoa nở, Buộc hoa lên cây.
Giải thích:Có câu: “Tá cuộc bố thế, lực tiểu thế đại”.Nghĩa là:Mượn cục tạo thế, lực tuy yếu mà thể hiện ra lại là thế mạnh
Buộc hoa giả lên cây chết, tạo ảo tưởng như cây sống khỏe. Dùng nghệ thuật hóa trang, biến cái không có giá trị thành có giá trị, biến hiểm họa thành nơi an toàn, biến vô dụng thành hữu dụng.
Điển cố:Khi Tôn Tẫn tới nước Yên làm Quân Sư, để đối phó với sự tấn công của Bàng Quyên, Tôn Tẫn đã bày mưu cho thái tử nước Yên Kế này. Với số quân ít ỏi khi ra đối phó với Bàng Quyên Thái tử đã cho binh sĩ chặt những cành cây kéo lê trên đường hành quân làm bụi tung mù mịt khiến mật thám của Bàng Quyên nghĩ rằng quân đội nước Yên đông gấp 10 lần do thám ban đầu. Bởi vậy Bàng Quyên đã rút quân.
30. Phản khách vi chủ (反客為主)
Từ chỗ là khách biến thành vai chủ, lấn dần dần đất của địch để đến chỗ địch không còn chỗ đứng.
Giải thích:Có câu: “Thừa khích tháp túc, ách kỳ chủ cơ, tiệm chi tiến dã”, có nghĩa là: Nhằm chỗ sơ hở của địch mà đột nhập vào, nắm lấy cơ quan đầu não, từ đó tuần tự làm chủ tất cả mọi bộ phận.
Phá hoại địch bằng cách chui vào trại địch, giả như hợp tác hay đầu hàng. Nằm trong trại địch, tìm điểm yếu. Khi địch không phòng bị, tấn công trực tiếp vào nguồn lực mạnh nhất, phá hủy và chiếm đoạt.
Kế thứ 30 là 3 lần kế 10 là Tiếu Lý Tàng Đaorồi. Tại sao vậy? Bởi vì căn bản nhất, điều kiện cần của kế 30 chính nằm ở chữ “Khách”, tức là phải được “Chủ” mời vào nhà đã, rồi dần dần tìm kẽ hở mà đảo ngược thăng bằng trong khi Chủ chẳng mảy may nghi ngờ. Muốn làm được vậy thì hỏa hầu Tiếu Lý Tàng Đao cũng phải là dạng thượng thừa.
Binh Gia Môn có một bộ cước pháp gọi là Phản khách thất cước.
– Đệ nhất cước: được Chủ để ý và mời vào nhà
– Đệ nhị cước: ở trong nhà, giữ thân phận khách
– Đệ tam cước: tìm kẽ hở của chủ
– Đệ tứ cước: nắm chắc kẽ hở
– Đệ ngũ cước: dùng kẽ hở nâng vị thế ảnh hưởng tới chủ và môi trường trong nhà
– Đệ lục cước: lật ngược, khống chế chủ
– Đệ thất cước: củng cố vị thế, xóa bỏ mọi yếu tố cũ của chủ cũ có thể gây ảnh hưởng tới vị thế chủ mới của mình.
Điển cố:Trong chiến dịch chiếm Hán Trung của Lưu Bị, Pháp Chính đã quân sư cho Hoàng Trung dùng kế phản khách vi chủ để cuối cùng chém chết được đại tướng của Tào Ngụy là Hạ Hầu Uyên.
CHƯƠNG 6: Bại chiến kế
31. Mỹ nhân kế (美人計)
Dùng gái đẹp để làm rối loạn quân địch.
Giải thích: Mỹ nhân là người đẹp chứ không nhất thiết là Nam hay Nữ. Như thế Mỹ Nhân Kế có thể tách ra là Mỹ Nam Kế hoặc Mỹ Nữ Kế (với thời nay, anh hùng có thể là nam, nữ, gay, les vv và mỹ nhân cũng có thể là nam, nữ, gay, les… Do đó, cái suy nghĩ về Mỹ Nhân Kế phải rộng ra là Người Hút Hồn. Hễ có người mà hút được hồn của ta thì người đó đang dùng Mỹ Nhân Kế với ta vậy)
“Nhắm tới điểm yếu của tướng địch (dù là nam, nữ, gay, les …). Bởi đa phần con người có đam mê và có yếu đuối trước vẻ đẹp (trong và ngoài). Một khi bị hút hồn rồi, khả năng ra quyết định, đánh giá sẽ không còn tỉnh táo, chính xác và ý thức/vô thức của địch trở thành mục tiêu mà ta có thể khai thác được”.
Điển cố:Thời Xuân Thu, Câu Tiễn nước Việt bị Ngô vương Phù Sai đánh cho suýt mất nước. Phạm Lãi và Văn Chùng bèn hiến kế cho Câu Tiễn dâng mỹ nhân nổi tiếng của nước Việt là Tây Thi cho Phù Sai khiến Ngô vương vì đam mê tửu sắc mà bỏ bê việc chính sự, tạo thời cơ cho Câu Tiễn trả thù.
Và trong thời Tam Quốc, Vương Doãn lợi dụng con gái nuôi là Điêu Thuyền một thiếu nữ xinh đẹp, nhan sắc vạn người mê) dùng mỹ nhân kế chia rẽ tình cảm cha con Đổng Trác – Lã Bố khiến hai cha con họ tranh giành người đẹp. Và cuối cùng Đổng Trác bị con nuôi là Lã Bố giết tại cửa Bắc Dịch.
32. Không thành kế (空城計)
Trong hoàn cảnh thành không có quân lại bị quân địch uy hiếp thì phải dùng những hành động kì lạ, trầm tĩnh khiến quân địch khiếp sợ tưởng có mai phục mà bỏ đi.
Giải thích: Đôi khi, cách tốt nhất là phô trương hết điểm yếu ra như là điểm mạnh, làm địch hoài nghi mà không quyết định được, nghi ngờ tột đỉnh mà không dám làm gì vì sợ quyết định sai.
Tôn Tử có câu: “Hư giả hư chi, nghi trung sinh nghi, cương nhu chi tế, nhi phúc kì”.Nghĩa là:Nếu sức quân yếu thì càng phải cố ý tỏ vẻ rất yếu, làm cho kẻ địch vốn đã nghi lại càng thêm nghi. Trong hoàn cảnh ta yếu, địch mạnh, vận dụng sách lược này sẽ đạt được sự kì diệu không lường được.
Kế này là một trong những kế khó sử dụng mà rủi ro rất cao, sự thành công liên quan rất nhiều tới uy tín của người dùng kế, đi ngược lại sự suy đoán của địch, khiến địch tự nhiên rơi vào trạng thái không biết phải xử lý sao, nhận tiện giành lấy thời gian và điều kiện khác để lật ngược thế cờ. Gia Cát Lượng vốn tính cẩn thận, chu đáo, ít sai lầm. Vậy việc mở toang cổng thành chính là đi ngược lại suy tính của địch. Với người như Lượng, mở toang cổng thành dễ bị người khác nghĩ là Khích tướng: bố chấp mày luôn, khỏi cần công thành, bố mở cửa đợi mày vào. Chính vì thế mà Ý lại càng không dám vào vì sợ phục binh. Lúc Ý đang chần chừ thì Lượng đã Tẩu Vi rồi.
Điển cố: Kế này gắn liền với điển cố về Gia Cát Lượng trong Tam quốc diễn nghĩa. Theo đó trong lúc Gia Cát Lượng đang giữ ngôi thành trống không có phòng thủ thì Tư Mã Ý bất chợt kéo quân đến. Đánh vào tính đa nghi của Tư Mã Ý, Gia Cát Lượng đã sai mở toang cổng thành, trên tường thành chỉ cắm tinh kỳ, lại sai người quyét dọn trước cổng làm như không có sự đe dọa của quân Ngụy. Cuối cùng Tư Mã Ý vì nghi ngờ mưu kế của Gia Cát Lượng nên đã rút quân, bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một để bắt sống địch thủ chính trên chiến trường.
33. Phản gián kế (反間計)
Lợi dụng kế của địch để biến thành kế của mình.
Giải thích:Tôn Tử dùng cả một chương thứ 13 để dạy về Gián Điệp. Nay chỉ trích một số câu quan trọng:
Cho nên, gián điệp có 5 loại: hương gián, nội gián, phản gián, tử gián, sinh gián. Dùng 5 loại gián điệp khiến địch không mò được qui luật hành động của ta, đó là phương pháp thần diệu khôn lường, là pháp bảo của quân vương. Hương gián là lợi dụng người dân bình thường trong nước địch làm gián điệp. Nội gián là dùng quan lại địch làm gián điệp. Phản gián là mua chuộc gián điệp của địch phái đến nước ta quay lại phục vụ ta. Tử gián là cố ý đưa tin tình báo giả tạo để gián điệp ta tiết lộ cho gián điệp địch, địch mắc câu bị lừa bèn giết gián điệp của chính nó. Sinh gián là phái gián điệp đến đất địch mà vẫn có thể trở về báo cáo.
Cho nên, việc dùng người trong ba quân không ai thân tín bằng gián điệp, không ai được khen thưởng bằng gián điệp, không việc gì cơ mật bằng gián điệp. Không phải người tài trí hơn người không thể dùng được gián điệp; không phải người nhân nghĩa không thể sử dụng được gián điệp; không phải người khéo léo cẩn thận thì không thể trở thành gián điệp thành công trong hoạt động tình báo.
Trong năm loại gián điệp này, ta chỉ bàn ở chiêu thức này vấn đề sử dụng Phản Gián mà thôi.
Phá hủy khả năng chiến đấu của địch, bằng cách gây bất hòa, rối loạn giữa địch và bè phái, liên minh, quân sư, gia đình, tướng lĩnh và cả dân chúng. Khi địch phải đối phó với loạn bất hòa nội bộ, khả năng tấn công và phòng thủ đều suy giảm nặng.
Kế này có liên quan mật thiết với hai chiến lược sau đây:
– Thứ nhất là dùng nhân tâm và nhiều phương tiện thiện xảo để cảm hóa kẻ được cử đến để phá hoại. Sau khi cảm hóa thì khiến kẻ đó quay lại thịt bên cử đến. Thực tế thì những kẻ được cử đi làm gián điệp lại nắm rất nhiều thông tin sâu kín, nội bộ của địch. Một khi được cảm hóa rồi sẽ tự nhiên mà nói rõ hết nội tình địch ra để mình tùy nghi sử dụng.
– Thứ hai là dùng phản tư vấn để hại địch. Bằng nhiều phương tiện và quan hệ, hoàn toàn có thể cài đặt các tư vấn gia vào hàng ngũ địch để được tin cẩn, đặc biệt là những người có uy tín. Sau đó gài bài để những tư vấn gia này tư vấn bậy (nhưng nghe thì rất là có lý) cho địch sa vào đầm lầy một cách từ từ. Đến khi địch chết rồi mà vẫn chưa hiểu vì sao mình chết.
Điển cố:Thời Tam Quốc, Tào Tháo phái Tưởng Cán, bạn học cũ của Chu Du sang Đông Ngô để dò xét lực lượng đối phương. Chu Du đoán được mưu của Tào Tháo nên đã sử dụng chính Tưởng Cán để làm Tào Tháo nghi ngờ hai hàng tướng cực kì thông thạo thủy binh của Kinh Châu để rồi giết hai người đó.
34. Khổ nhục kế (苦肉計)
Tự làm mình khổ nhục để đánh lừa quân địch.
Giải thích:Tự gây thương tích có hai cách áp dụng. Cách thứ nhất, địch sẽ lơi lỏng, coi thường, không cho rằng ta còn là mối nguy nữa. Cách thứ hai, làm thân với địch bằng cách giả như bị thương bởi kẻ thù chung, mà từ đó đi vào hàng ngũ địch mà phá hoại.
Khổ nhục kế là một trong những kế đau đớn nhất của chương Bại Chiến Kế. Vừa khổ, vừa nhục, đau đớn cả tinh thần và thể xác. Chỉ vì ở trong thế bại, có ít lựa chọn mà phải thực hiện.
Cái khó của Khổ Nhục Kế là làm sao phải như thật, để không bị nghi ngờ. Bởi nếu bị lộ thì vừa khổ, vừa nhục mà chẳng đánh đổi được gì. Chiêu này thường được sử dụng bởi những người ở trong thế yếu mà lại muốn đạt mục đích nhanh vì sợ để lâu thì chống cự không nổi hoặc kết cục mất mát còn đau đớn hơn.
Những hình ảnh trong phim truyền hình Hàn Quốc dùng rất nhiều kế này. Cảnh đứng trong mưa, ướt sũng, nức nở như cha chết, đón đường bắt gặp như vô tình, đau khổ vô biên để khiến người ta cảm động mà tụt quần tốc váy là một cảnh rất thường thấy vậy.
Kế này muốn dùng được cũng phải hiểu đối phương khá rõ. Nếu nó coi mình kém cả súc vật thì việc mình tự gây thương tích để được thương cảm chẳng còn tác dụng. Có khi còn ăn đạp vào vết thương. Đây là sai lầm của bọn trồng cây si sai chỗ.
Điển cố:Câu Tiễn sau khi thất bại trước Phù Sai thì hết lòng tận tụy phục vụ Phù Sai như người hầu, thậm chí nếm cả chất thải của Phù Sai để giúp thầy thuốc khám bệnh cho Phù Sai, tất cả chỉ để che giấu sự chuẩn bị trả thù của nước Việt.
35. Liên hoàn kế (連環計)
Sử dụng nhiều kế liên tiếp, muốn chiến thắng phải biết móc nối nhiều kế với nhau.
Giải thích:“Khi đối đầu với cuộc chiến quan trọng, nên dùng nhiều kế phối hợp. Thiết lập các chuỗi chiến thuật với các hoàn cảnh khác nhau nhằm đạt được chiến lược cuối cùng. Như thế, dù một kế có không đạt thì vẫn còn có nhiều đường khác để tiến hành”.
Liên hoàn kế là kế của các kế, muốn vận dụng được thành công cần có nội công thâm hậu, rèn luyện vững vàng chắc chắn ở từng chiêu thức, cân bằng cả nền tảng Cái biết, cái thấy, linh hoạt như nước chảy mây trôi.
Trong bài Thiết vị phu vi Tướng giả có câu:
“Bất động như Sơn Nhạc
Nan trắc như Âm Dương”
“Nan trắc” là khó dò tìm theo được một cách chính xác, khó như xác định thời điểm chuyển giao giữa âm và dương vậy. Sự linh hoạt của người sử dụng Liên hoàn kế ở chỗ, khi khởi đầu thiết lập chuỗi kế A, B, C…. nhưng khi thực hiện, lại như dòng nước, vấp tảng đá, lập tức linh hoạt đổi kế, uốn lượn theo dòng để đạt mục tiêu. Vì thế mà cần người sử dụng phải “Rộng lớn như trời đất, đầy đủ như kho tàng” như Gia Cát Lượng đã từng nói.
Có câu: “Tướng đa binh chúng, bất khả dĩ địch, sử kỳ tự lụy, dĩ sát kỳ thế, tại sự trung cát, thừa thiên trùng dã”.
Có nghĩa là:
Khi lực lượng quân địch lớn mạnh thì không nên đánh bạt mạng. Nên vận dụng mưu kế để làm cho bọn chúng tự hãm chân lại, làm yếu lực lượng của bọn chúng. Nếu chủ soái biết khéo léo vận dụng linh hoạt chuỗi mưu kế thì việc chiến thắng quân địch cũng giống như được thiên thần giúp vậy.
Kế thứ 35 này được chia thành 3 loại:
– Liên hoàn tung kế: chuỗi kế tung ra cùng một lúc để bổ trợ lẫn nhau
– Liên hoàn hoành kế: chuỗi kế tung ra nối tiếp nhau, kế này hoàn thành làm điều kiện để nảy sinh kế kia
– Liên hoàn tung hoành kế: nhóm kế nối tiếp nhóm kế
Chính sự phối hợp phức tạp như vậy mà Liên hoàn kế tạo ra vô số biến thiên, tức là tổ hợp của 36 kế đơn lẻ này khi phối hợp có thể tạo ra vô hạn cách sử dụng.
Điển cố:Liên hoàn kế gắn liền với giai thoại về Vương Doãn do La Quán Trung kể lại trong Tam quốc diễn nghĩa. Vì thấy Đổng Trác quá bạo ngược hung tàn nên Vương Doãn sử dụng liên hoàn kế trong đó có mỹ nhân kế gửi Điêu Thuyền vào chia rẽ hai bố con nuôi Đổng Trác và Lã Bố, sau đó dùng kế đục nước bắt cá khơi gợi ở Lã Bố sự thù địch với cha nuôi để rồi cuối cùng chính Lã Bố cầm kích đâm chết Đổng Trác.
36. Tẩu vi thượng sách (走為上計)
“Thấy tiến được thì tiến, thấy khó thì nên lui”. Gặp kẻ địch mạnh thì kế chuồn là thích hợp hơn cả trong 36 kế.
Giải thích:Tẩu Vi Thượng – Kế thứ 36 chính là khó ta rút lui. Rút lui là cao nhất khi không thể đối đầu.
“Khi bị lấn chiếm trên tất cả các mặt trận, đừng chiến đấu, đừng đầu hàng, đừng thỏa hiệp. Đầu hàng là bại trận toàn diện, thỏa hiệp là bại một nửa. Chỉ có rút lui mới không bại. Chỉ cần không bại, còn có cơ hội quay lại và phản công”.
Cái “Tẩu Vi” này không phải là hèn nhát mà lại chính là cái cốt lõi của việc thắng sau này. Lui lại tạo ra điểm yếu cho địch.
Điển cố:Trong kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ I, nhận thấy không thể đối đầu với giặc quá mạnh, quá tinh nhuệ với số lượng đông đảo, nhuệ khí áp đảo vì đã đánh chiếm gần như toàn bộ lục địa Âu Á, vua quan nhà Trần đã quyết định lui bằng chiến dịch Vườn Không Nhà Trống mang đi hết của cải lương thực.
Chính vì lui mà địch tự nhiên thiếu quân lương. Chiến lược đánh tới đâu cướp lương tới đó của quân Nguyên Mông thất bại dẫn tới phải rút quân rất nhanh trong chưa đầy có 10 ngày. Sau đó, quân dân nhà Trần truy sát tống tiễn toàn bộ giặc ra khỏi lãnh thổ.
Bình thêm: Lui không chỉ để tránh thương vong và tìm cách đánh khác mà chưa nhìn thấy khía cạnh của việc ta lui lại có thể tạo ra thế mạnh của ta và thế yếu của địch. Ngoài ra, cũng chưa phân tích thêm về khía cạnh cái Thấy trong Tẩu Vi.
Trong bức thư của Gia Cát Lượng gửi Tào Chân, mắng cho họ Tào hộc máu mà chết có mấy câu về cái Thấy này:
“Biết thiên văn khi mưa khi nắng
Thuộc địa lý chỗ hiểm chỗ thường
Thế trận khó dễ cần phải hiểu
Tài giặc hay dở cần phải tường”
Trong đó có 4 từ thật là quan trọng: Biết – Thuộc – Hiểu – Tường, 4 giai đoạn của cái Thấy. Người trong Binh Gia Môn, học nội công nào, chiêu thức nào, đều sẽ phải trải qua bốn giai đoạn này của cái Thấy. Tất nhiên đỉnh cao nhất thì như là Lão Tử nói: “Tự Tri Giả Minh” (Tự thấy thì sáng) nhưng không có mấy người có ngộ tính cao để mà tự thấy.
Cái Thấy này nó bao trùm cả cái Tri Bỉ là biết người mà tổ sư Tôn Tử đã dạy, ngoài biết tài giặc hay dở, còn phải biết cả Thiên Thời, Địa Lợi, Nhân Hòa. Khi ấy thì ngay cả khi rút lui, cũng rút một cách khôn ngoan không tổn thất, tạo ra thế yếu cho địch chờ đợi dịp phản công.
(Nguồn: Wikipedia và Binh Pháp Việt)